Không để “con sâu làm rầu nồi canh”
TPHCM đang nỗ lực xây dựng dịch vụ xe buýt ngày càng chuyên nghiệp, nhưng những sự cố gần đây khiến người dân không khỏi băn khoăn. Tháng Ba vừa qua, một đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một nữ sinh bị kẹp chiếc ba lô vào cửa xe buýt và bị xe kéo lê trên đường khiến người xem thót tim. Sự việc xảy ra trên xe buýt biển số 50H-401.29, tuyến 57, khi xe dừng trả khách và nữ sinh chưa bước hẳn xuống thì xe đóng cửa, lăn bánh. Cũng may là tài xế đã kịp thời dừng xe nên không gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguyên nhân được xác định là do tài xế thiếu quan sát, đóng cửa khi hành khách chưa xuống xe an toàn. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng phục vụ và mức độ an toàn của một số tuyến xe buýt hiện nay.

Xe buýt là phương tiện công cộng quen thuộc tại TP.HCM ngày càng được cải thiện để phục vụ hành khách tốt hơn
Chị Ngọc Nữ (quận Tân Bình) kể, chị thường đi khám bệnh bằng xe buýt. Tại khu vực bệnh viện, nơi có đông người lớn tuổi và người đi lại khó khăn, việc lên xuống xe buýt đòi hỏi sự phối hợp cẩn thận giữa tài xế và tiếp viên. Thế nhưng, một lần, khi một người đàn ông chống nạng đang cố gắng bước lên thì xe đã lăn bánh...Trước tình huống đó, chị đã lên tiếng góp ý và liền bị tiếp viên mắng chửi thô lỗ. “Tôi không hiểu vội vài giây thì được gì, trong khi an toàn của hành khách mới là quan trọng” - chị Nữ bức xúc.
Chị Minh Thư (quận 10) kể, một lần đưa mẹ già 80 tuổi đi chợ bằng xe buýt, khi xuống xe chị dặn tiếp viên từ từ cho mẹ chị xuống. Vậy mà xe vừa dừng là tiếp viên hối thúc rất khó nghe: “Xuống lẹ lẹ giùm, xe đông người chờ kìa!” khiến bà cụ phát hoảng. “Thái độ thiếu kiên nhẫn như thế sẽ khiến người già ngại đi xe buýt” - chị Thư bày tỏ.
Dẫu vậy, cũng vẫn có nhiều chuyến xe buýt mang lại cảm giác thân thuộc cho hành khách nhờ vào sự an toàn, sạch sẽ, tận tâm phục vụ của bác tài và tiếp viên. Chính sự sáng tạo và tinh thần tận tâm phục vụ ấy đã tạo nên một nét đẹp rất riêng trong văn hóa giao thông công cộng tại TPHCM.
Gắn bó với xe buýt suốt 12 năm, từ những ngày còn là sinh viên cho đến khi đi làm, anh Nguyễn Hoàng Minh Huy (TP Biên Hòa, Đồng Nai) xem tuyến xe buýt số 150 như “người bạn đồng hành” không thể thiếu trong hành trình di chuyển mỗi ngày giữa Biên Hòa - TPHCM. Với anh, tuyến xe này trở nên đặc biệt không chỉ vì sự tiện lợi mà còn ở phong cách phục vụ chuyên nghiệp, tử tế của phần lớn tài xế và tiếp viên.
Họ luôn dừng xe đúng trạm, mở cửa đủ lâu để hành khách lên xuống an toàn, không vội vã. Đặc biệt, khi gặp người già, phụ nữ mang thai hay trẻ nhỏ, tiếp viên thường nhẹ nhàng nhắc tài xế chờ thêm đôi chút và chủ động hỗ trợ tận tình. Hệ thống xe còn được trang bị 2 camera giám sát cùng đường dây nóng để hành khách phản ánh khi cần, mang lại cảm giác an tâm tuyệt đối. “Tôi thích cách họ làm việc có trách nhiệm. Có camera ngay trên xe, tiếp viên chẳng bao giờ gắt gỏng, lúc nào cũng cư xử lịch sự, niềm nở. Với tôi, 12 năm gắn bó với tuyến 150 là một hành trình đáng nhớ, bởi sự sạch sẽ, mát mẻ và thái độ phục vụ tử tế” - anh Huy tâm sự.
Tương tự, tuyến xe buýt từ bến xe Hiệp Thành (quận 12) đến bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng hành khách nhờ vào chiếc xe đặc biệt, được trang trí bằng những chú gấu bông ngộ nghĩnh. Trên xe, tài xế còn chăm chút những chậu cây nhỏ xinh và lắp một chiếc ti vi phát nhạc vui tươi, biến không gian xe buýt trở thành một góc thư giãn giữa nhịp sống hối hả.
“Lên xe là cảm thấy lòng nhẹ nhõm, vui vẻ. Bác tài rất dễ mến, hay cười nói thân thiện với mọi người!” - anh Trương Thanh Thái (quận Bình Thạnh) hào hứng. Với nhiều hành khách, chiếc xe không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn như một “ngôi nhà di động” thân thương. Những người đã gắn bó qua bao năm thường tranh thủ chuyến xe cuối ngày để trò chuyện và sẻ chia.
Cũng vậy, mỗi sáng đi làm, chị Trần Minh Thảo (quận Tân Phú) đều chọn tuyến xe buýt số 27 từ An Sương đến Bến Thành. Không chỉ vì lộ trình thuận tiện, mà hơn hết là nhờ tinh thần tích cực và sự tử tế lan tỏa từ bác tài và cô tiếp viên. Mỗi khi có người lớn tuổi hay học sinh lên xe, bác tài đều dừng hẳn, nhẹ nhàng nhắc nhở mọi người cẩn thận.
Trên xe, những bản nhạc không lời nhẹ nhàng, thư giãn tạo cảm giác dễ chịu. Nhân viên trên xe đôi khi còn gửi lời chào buổi sáng, chúc hành khách một ngày vui vẻ. Có lần, một học sinh sơ ý đánh rơi ví, tiếp viên đã cẩn thận cất giữ để trả lại vào buổi chiều, khi học sinh ra về. “Chuyện nhỏ nhưng khiến mình cảm thấy xe buýt không chỉ là phương tiện, mà còn là nơi lan tỏa sự tử tế” - chị Thảo bày tỏ.
Nâng cao kỹ năng cho tài xế, tiếp viên
Theo ông Phạm Vương Bảo - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM - sau sự cố để ba lô của hành khách bị kẹt, gây nguy hiểm và bức xúc dư luận, trung tâm đã yêu cầu Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines đình chỉ công tác tài xế vi phạm. Đây là một hành động kiên quyết nhằm xử lý nghiêm để bảo vệ quyền lợi cho hành khách, đồng thời nhắc nhở toàn bộ đội ngũ tài xế và nhân viên xe buýt của công ty phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về khai thác tuyến và an toàn giao thông. Trung tâm cũng tăng cường công tác giám sát và xử lý các hành vi vi phạm, đảm bảo không để xảy ra sự cố tương tự.

Hành khách xem bản đồ các tuyến xe buýt TP.HCM
Ông Phạm Vương Bảo chia sẻ thêm, để nâng cao chất lượng phục vụ, trung tâm đã phối hợp với các đơn vị vận tải tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng giao tiếp và phục vụ cho đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ xe buýt. Song song với việc tuyên dương những cá nhân có hành động đẹp, như hỗ trợ hành khách hoặc trả lại tài sản bị đánh rơi. Trung tâm cũng thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp có thái độ phục vụ chưa tốt.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM năm 2024, lĩnh vực xe buýt của thành phố hiện đang đứng đầu trong các dịch vụ công được người dân đánh giá cao. Nhưng để xây dựng hình ảnh xe buýt thân thiện thì vẫn phải cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ, mạng lưới tuyến, đầu tư nâng cấp phương tiện, cơ sở hạ tầng, an ninh bến bãi... nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân.
“Trung tâm lắng nghe và tiếp nhận phản hồi từ hành khách qua website, ứng dụng Go!Bus, đường dây nóng 1022, cùng các nền tảng mạng xã hội để kịp thời điều chỉnh và nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng đến mục tiêu xây dựng hình ảnh xe buýt thân thiện, an toàn và là phương tiện giao thông công cộng lựa chọn của người dân TPHCM” - ông Phạm Vương Bảo nhấn mạnh.
Ứng dụng công nghệ tạo sự thoải mái trên xe buýt
Theo anh Lê Yên Thanh - CEO Go Labs, nhà sáng lập BusMap - để nâng cao trải nghiệm cho hành khách và xây dựng hình ảnh xe buýt thân thiện TPHCM, cần áp dụng thanh toán không tiền mặt, tương tự metro. Dù đã có thí điểm, giải pháp này chưa hiệu quả do thiếu đầu tư. Sắp tới, xe buýt cần trang bị hệ thống hiện đại, giúp loại bỏ bất tiện từ tiền mặt, mang lại sự thuận tiện qua tính năng “chạm để trả” và tích hợp thông tin hữu ích, giống VinBus. Với xe buýt cũ, thiết bị thanh toán sẽ tăng tính văn minh mà không cần đầu tư xe mới.
Để xây dựng văn hóa ứng xử trên xe buýt sau các sự cố đáng tiếc, anh Lê Yên Thanh nhấn mạnh, cần giải quyết gốc rễ: tài xế, tiếp viên vất vả, dễ mệt mỏi, hành khách bực bội vì thiếu thông tin. Công nghệ như thiết bị hỗ trợ, camera AI giám sát trộm cắp sẽ giảm tải và tăng thoải mái cho cả 2 bên.
Bên cạnh đó, TPHCM cần đầu tư hơn cho xe buýt (vì xe buýt phục vụ 200.000 - 300.000 lượt khách/ngày, chịu tải lớn hơn metro) để cải thiện đãi ngộ, lợi nhuận và chất lượng dịch vụ, song hành cùng metro.